Tóm Lược Bốn Giáo Pháp

 

 

Tóm Lược Bốn Giáo Pháp

Tôn giả RatthaPàla đi đến Vườn Migàcira của vua Koravya và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ngơi qua ngày.

Rồi vua Koravya nói với người thợ săn:

- Này anh thợ săn, hãy dọn dẹp vườn Migàcira để chúng ta có thể đến thăm viếng quang cảnh đẹp đẽ nơi đây.

Người thợ săn trả lời

- Thưa vâng, tâu Đại vương. Rồi trong khi người ấy dọn dẹp vườn Migàcira, anh ta thấy Tôn giả RatthaPàla đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ngơi qua ngày. Khi anh ta nhìn thấy Tôn giả, anh ta đi đến tâu với vua Koravya:

- Tâu Đại vương, vườn Migàcira đã được dọn dẹp sạch sẽ. Có thiện nam tử RatthaPàla đang ngồi ở đó, vị ấy là con trai của trưởng tộc ở thị trấn Thullakotthita này, mà Đại vương thường hay khen ngợi; vị ấy đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ngơi qua ngày.

- Này anh thợ săn, hôm nay ngươi dọn dẹp vườn cảnh như vậy là đủ rồi. Bây giờ chúng ta hãy đi đến đảnh lễ Tôn giả RatthaPàla.

Rồi nhà vua nói: "Hãy đem bố thí tất cả thức ăn đã soạn sẵn", và vua Koravya ra lệnh chuẩn bị một số cổ xe ngựa, vua leo lên một cổ xe, các cổ xe khác theo sau hộ tống; xe vua đi ra khỏi thị trấn Thullakotthita với oai phong của một bậc đế vương, đến thăm Tôn giả RatthaPàla. Cổ xe vừa đi hết con đường có thể chạy xe được, sau đó vua xuống xe đi bộ, cùng với đoàn tùy tùng cao cấp của vua, để đi đến chỗ Tôn giả RatthaPàla, sau khi chào hỏi những lời thân hữu, vua đứng qua một bên và thưa rằng:

- Đây là tấm thảm voi, xin mời Tôn giả RatthaPàla ngồi trên tấm thảm này.

- Thưa Đại vương tôi không có nhu cầu ấy. Tôi ngồi trên tấm thảm của tôi là được rồi.

Vua Koravya ngồi xuống một chỗ đã soạn sẵn và thưa:

- Thưa Tôn giả RatthaPàla, có bốn sự mất mát, vì đã trải qua những mất mát này mà nhiều người ở đây cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn? Đó là mất mát do tuổi già, mất mát do bệnh tật, mất mát tài sản, mất mát thân quyến.

Và thế nào là mất mát do tuổi già? Ở đây, thưa Tôn giả RatthaPàla, có người đã lớn tuổi, đã già, mang gánh nặng của tháng năm, đã tiến tới tuổi trưởng lão, và đã vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Người ấy suy nghĩ như sau: "Ta nay đã lớn tuổi, đã già, mang gánh nặng của tháng năm, đã tiến tới tuổi trưởng lão, đã vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Ta sẽ không dễ dàng kiếm tìm thêm tài sản hay gia tăng tài sản đã đạt được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình." Bởi vì ông ta đã trãi qua sự mất mát do tuổi già. Nhưng Tôn giả RatthaPàla hiện nay đang là một thanh niên tóc đen nhánh, được hưởng tất cả những ân phước của tuổi thanh xuân, đang ở trong thời kỳ niên thiếu. Tôn giả RatthaPàla chưa trải qua sự mất mát nào do tuổi già. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

Và thế nào là mất mát do bệnh tật? Ở đây, thưa Tôn giả RatthaPàla, có người bị phiền não, đau khổ và lâm bệnh nặng. Người ấy suy nghĩ như sau: "Ta nay đang phiền não, đau khổ và lâm bệnh nặng. Ta sẽ không còn dễ dàng kiếm thêm tài sản... sống không gia đình. Đây gọi là sự mất mát do bệnh tật. Nhưng Tôn giả RatthaPàla hiện nay không có bệnh tật hay phiền não; ngài có được sự tiêu hóa điều hòa, không quá nóng cũng không quá lạnh, chỉ đúng mức. Tôn giả RatthaPàla đã không trải qua sự mất mất mát do bệnh tật. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những điều gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

Và thế nào là mất mát tài sản? Ở đây, thưa Tôn giả RatthaPàla, có người giàu sang, sung mãn, nhiều tài sản. Dần dần, tài sản của ông ta bị tiêu tan. Người ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia ta giàu sang, sung mãn, nhiều tài sản. Dần dần, tài sản của ta bị tiêu tan. Ta sẽ không dễ dàng kiếm thêm tài sản... sống không gia đình."  Bởi vì ông ta đã trải qua sự mất mát tài sản... ông ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Đây gọi là sự mất mát tài sản. Nhưng Tôn giả RatthaPàla là con trai của vị trưởng tộc trong thị trấn Thullakotthita. Tôn giả RatthaPàla chưa trải qua sự mất mát tài sản. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

Và thế nào là mất mát thân quyến? Ở đây, thưa Tôn giả RatthaPàla, có người có rất nhiều bạn bè thân hữu, bà con thân quyến. Những bà con thân quyến ấy dần dần suy vong. Người ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia, ta có nhiều bạn bè thân hữu, bà con thân quyến. Những bà con thân quyến ấy dần dần suy vong. Ta sẽ không còn dễ dàng kiếm thêm tài sản... sống không gia đình." Bởi vì ông ta đã trải qua sự mất mát bà con thân quyến... ông ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng Tôn giả RatthaPàla có rất nhiều bạn bè thân hữu, bà con thân quyến trong thị trấn Thullakotthita này. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe nghững gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

Thưa Tôn giả RatthaPàla, đó là bốn sự mất mát. Vì đã trải qua những mất mát này mà nhiều người ở đây cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tôn giả RatthaPàla chưa hề trải qua những mất mát ấy. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

Thưa Đại vương, có bốn tóm lược của Giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy. Tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, nên tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn?

Đời sống trong thế gian là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt: đây là tóm lược thứ nhất của giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy. Tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, nên tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Đời sống trong thế gian này không có nơi an trú, không có ai bảo vệ: đây là tóm lược thứ hai của giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy...

Đời sống trong thế gian này không phải là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả: đây là tóm yếu thứ ba của giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy...

Đời sống trong thế gian này là không trọn vẹn, luôn khao khát, là nô lệ của khác ái: đây là tóm lược thứ tư của giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy...

Thưa Đại vương, đó là bốn tóm lược của giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy. Tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, nên tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

- Tôn giả RatthaPàla nói rằng: "Đời sống trong thế gian này là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt." Ý nghĩa câu này cần phải được hiểu như thế nào?

-  Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Khi ngài 20 tuổi hay 25 tuổi, ngài có phải là người cưỡi voi thiện nghệ, một người đánh xe thiện nghệ, một người bắn cung thiện nghệ, một tay kiếm thiện nghệ, bắp thịt tay chân mạnh mẽ, vững vàng, có khả năng chiến đấu?

- Thưa Tôn giả RatthaPàla, dĩ nhiên tôi là người như vậy. Đôi lúc, tôi tự hỏi phải chăng lúc đó tôi có sức mạnh của siêu nhân. Tôi không thấy có ai có thể ngang bằng tôi về sức mạnh.

- Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Có phải bây giờ bắp tay bắp chân ngài cũng mạnh mẽ, vững vàng, có khả năng chiến đấu như trước kia?

- Thưa không, Tôn giả RatthaPàla. Nay tôi đã lớn tuổi, đã già, mang gánh nặng của tháng năm, đã tiến tới tuổi trưởng lão, đã vào giai đoạn cuối của cuộc đời, tôi đã 80 tuổi rồi. Đôi lúc tôi muốn đặt chân ở chỗ này nhưng chân tôi lại bước đi chỗ khác.

- Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: "Đời sống trong thế gian là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt;" và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

- Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả RatthaPàla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy này: "Đời sống trong thế gian là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt." Quả đúng như vậy!

Thưa Tôn giả RatthaPàla, trong triều đình của tôi hiện có đội quân voi và đội quân ngựa, đội quân xa, và bộ binh; những đội quân này sẽ bảo vệ chúng tôi và dập tắt mọi đe dọa đối với chúng tôi. Giờ đây, Tôn giả RatthaPàla nói rằng: "Đời sống trong thế gian này không có nơi an trú, không có ai bảo vệ." Ý nghĩa của câu này cần phải được hiểu như thế nào?

- Thưa Đại vương, ngài nghĩ như thế nào? Đại vương có bị bệnh kinh niên nào không?

- Thưa Tôn giả RatthaPàla, tôi bị bệnh phong kinh niên. Đôi lúc, bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc của tôi đứng quanh tôi và nghĩ rằng: "Giờ đây vua Koravya sắp mệnh chung, giờ đây vua Koravya sắp mệnh chung."

- Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Ngài có thể ra lệnh cho bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc rằng: "Hãy đến đay hỡi bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc. Tất cả thân nhân hãy chia sẻ cảm giác đau đớn này để cho tôi giảm bớt cơn đau?" Hay là ngài phải chịu cơn đau một mình?

- Thưa Tôn giả RatthaPàla, tôi không thể ra lệnh cho bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc như vậy được. Tôi phải chịu cơn đau một mình.

- Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: "Đời sống trong thế gian này không có nơi an trú, không có ai bảo vệ;" và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả RatthaPàla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy này: "Đời sống trong thế gian không có nơi an trú, không có ai bảo vệ." Quả đúng như vậy!

Thưa Tôn giả RatthaPàla, trong triều đình của tôi hiện có rất nhiều đồng tiền vàng và vàng nén chứa trong các kho trên lầu thượng và dưới hầm. Giờ đây, Tôn giả RatthaPàla nói rằng: "Đời sống trong thế gian này không là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả." Ý nghĩa của câu này phải được hiểu như thế nào?

- Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Giờ đây ngài được cung cấp đầy đủ và sung mãn để thọ hưởng năm dục lạc giác quan, nhưng ngài có chắc chắn rằng trong đời sống kế tiếp ngài cũng sẽ được cung cấp đầy đủ và sung mãn để thọ hưởng năm dục như vậy không? Hay là những kẻ khác thừa hưởng tài sản này trong lúc ngài vẫn phải tiếp tục đi theo nghiệp của mình?

- Thưa Tôn giả RatthaPàla, tôi không thể biết chắc những gì sẽ sảy ra trong đời sống kế tiếp. Trái lại, những kẻ khác sẽ thừa hưởng tài sản này trong lúc tôi vẫn phải tiếp tục đi theo nghiệp của mình.

- Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: "Đời sống trong thế gian không là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả;" và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

- Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả RatthaPàla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy này:  "Đời sống trong thế gian không là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả." Quả đúng như vậy!

Tôn giả RatthaPàla nói rằng: "Đời sống trong thế gian này là không trọn vẹn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái." Ý nghĩa của câu này cần phải hiểu như thế nào?

- Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Có phải ngài đang cai trị đất nước Kuru phồn thịnh?

- Thưa Tôn giả RatthaPàla, đúng như vậy.

- Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Giả sử có một  người đáng tín nhiệm, có uy tín đến từ phương đông và tâu với ngài rằng: "Tâu Đại vương, ngài có biết rằng tôi vừa đến từ phương đông, ở đó tôi thấy một đất nước hùng mạnh, giàu có, đông dân, đường phố đông đúc người. Có rất nhiều đội quân voi, đội quân ngựa, đội quân xa, và bộ binh; có rất nhiều ngà voi, nhiều tiền vàng và vàng nén đã đúc và chưa đúc, rất nhiều phụ nữ để làm vợ. Với vũ lực của ngài hiện nay ngài có thể chinh phục đất nước ấy. Tâu Đại vương, ngài hãy đi chinh phục." Đại vương sẽ hành động như thế nào?

- Thưa Tôn giả RatthaPàla, tôi sẽ đi chinh phục và cai trị đất nước ây.

- Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bâc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: "Đời sống trong thế gian này là bất toàn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái," và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

- Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả RatthaPàla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-han, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy  này: "Đời sống trong thế gian là bất toàn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái." Quả đúng như vậy!

          (Trung Bộ Kinh II, Kinh 82: Kinh RatthaPàla - tr.515-528)

Các tin khác